Đầu tháng 8.2008, Công đoàn Trung tâm Giáo dục thường xuyên TNXP tổ chức cho toàn thể cán bộ nhân viên, giáo viên đi tham quan nghỉ mát tại Phan Thiết. Đoàn đã đến thăm Trường Dục Thanh – nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh sau này) đã từng dạy học trước khi ra đi tìm đường cứu nước. Tôi may mắn được tham gia chuyến đi này...
Ngôi trường với mái ngói, vách gỗ hiện ra trước mắt chúng tôi vào một buổi trưa đầy nắng. Trường không lớn, chỉ như một lớp học bình thường nhưng rất khang trang, quanh trường cây trái xanh tươi, trước mặt là dòng sông Cà Ty hiền hòa đang lững lờ trôi…Năm 1910, thầy giáo Nguyễn Tất Thành được chí sĩ Trương Gia Mô giới thiệu vào trường Dục Thanh dạy học khoảng gần một năm. Đến năm 1911, thầy Thành rời trường vào Sài Gòn vượt trùng dương tìm con đường giải phóng dân tộc. Một vài năm sau ngôi trường không còn người phụ trách nên đã đóng cửa vào năm 1912.
Sau ngày quê hương được giải phóng, nguyện vọng của nhân dân là muốn phục chế lại ngôi trường Dục Thanh xưa để tỏ lòng biết ơn Bác Hồ kính yêu và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Nhờ những ký ức, kỷ niệm của các cụ là học trò của thầy giáo Thành như bác sĩ Nguyễn Quý Thầu, bác sĩ Nguyễn Kim Chi, cụ Từ Trường Phùng, cụ Nguyễn Đăng Lâu, vị trí ngôi trường và những thành phần kiến trúc nội, ngoại thất được hình thành qua các bản vẽ và được phục chế từ những năm 1978-1980.Ngày nay, những nơi từng gắn bó với Bác như Ngọa Du Sào - nơi Bác thường đọc sách, nhà Ngư - nơi thầy Thành lưu trú, khuôn viên trường Dục Thanh được phục chế gần như nguyên vẹn. Những cây khế, cây vú sữa, cây bưởi thầy Thành và học trò thường chăm bón, nay đã lớn và xanh tốt. Trải qua 101 năm, mái trường Dục Thanh vẫn rêu phong và lặng lẽ như có Người đang giảng bài trong căn phòng nhỏ.
Mấy chục năm qua, những cuốn sổ lưu bút của khu di tích Dục Thanh mỗi ngày một dày thêm. Hàng triệu người dân Việt Nam mỗi khi về thăm Bình Thuận – Phan Thiết đều ghé thăm trường Dục Thanh. Nhiều du khách nước ngoài cũng đã đến nơi này để biết thêm một phần đời của vị lãnh tụ lỗi lạc Hồ Chí Minh. Đứng trước trường Dục Thanh, tôi xúc động nhớ lại những vần thơ của nhà thơ Giang Nam:
“Ghế này xưa Bác ngồi đọc sách
Căn gác này Bác thức thâu đêm
Nơi Bác dừng chân có lời ru của biển
Có mẹ nghèo vất vả sớm khuya
Phan Thiết bao người còn nhớ
Bài học đầu tiên Bác dạy: Hiểu mình…”
Bác không ở đâu xa. Người vẫn là thầy giáo Nguyễn Tất Thành của trường Dục Thanh, vẫn ngày đêm đang dạy chúng ta bài học làm người và tinh thần bác ái của người dân đất Việt.
Nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh rất phong phú, thiết thực nhưng theo tôi bài học quan trọng nhất mà Người dạy cho cán bộ đảng viên là bài học chống bệnh quan liêu, vì “bệnh quan liêu là nguồn gốc sinh ra lãng phí, tham ô,…”
Theo Người, “quan liêu là cán bộ phụ trách xa rời thực tế, không điều tra, nghiên cứu đến nơi đến chốn những công việc cần phải làm, việc gì cũng nắm không vững, chỉ đạo một cách đại khái, chung chung” (Bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước ngày 24.7.1962). Bệnh quan liêu hiện nay biểu hiện dưới nhiều khía cạnh như coi thường, xa rời quần chúng, xa rời thực tế, không nắm chắc mọi mặt của cuộc sống, của cơ sở; tổ chức bộ máy cồng kềnh, nặng giấy tờ, hình thức, thủ tục hành chính rườm rà, gây phiền hà cho dân. Cùng đồng hành là tệ cửa quyền, sách nhiễu, mệnh lệnh, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ đảng viên, công chức, nhất là những cán bộ lãnh đạo và quản lý.
Tệ quan liêu nói trên trở nên trầm trọng do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân trực tiếp là do chủ nghĩa cá nhân, tự tư tự lợi, thiếu tinh thần trách nhiệm, trình độ năng lực tổ chức quản lý yếu kém của một số cán bộ đảng viên, công chức. Một số cán bộ đảng viên khi có chức quyền thì coi thường quần chúng, cho mình là người “đứng trên”, người “ban phát ơn huệ” cho quần chúng, không phải là người phục vụ, người đày tớ trung thành của quần chúng. Hoặc vì thiếu trách nhiệm, ngại khó ngại khổ, thích ngồi bàn giấy hơn là đi sâu sát quần chúng, sát thực tiễn và cơ sở, xen vào đó là tư tưởng cá nhân thổi phồng thành tích, che giấu khuyết điểm, “làm thì láo, báo cáo thì hay”… Mặt khác, còn do phô trương hình thức, tổ chức bộ máy nhiều tầng nấc, chức năng nhiệm vụ và chế độ chịu trách nhiệm không rõ ràng…Tệ quan liêu gắn liền với mệnh lệnh, cửa quyền, coi thường quần chúng, muốn dễ cho mình nhưng lại gây khó khăn cho người khác, làm điều trái với lý tưởng của Đảng, trái với phẩm chất đạo đức cách mạng. Tác hại của tệ nạn quan liêu rất lớn, nó làm cho Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội không nắm chắc được tình hình thực tế kịp thời, dẫn đến những quyết định, chủ trương, biện pháp công tác không sâu sát, thậm chí sai lầm, làm tổn thương đến mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và quần chúng. Tệ quan liêu là mảnh đất màu mỡ cho tệ nạn tham nhũng, lãng phí phát triển nếu không kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh theo pháp luật và kỷ luật Đảng. Vì vậy, việc chống tham ô, lãng phí, quan liêu là rất cần thiết và phải làm thường xuyên nhằm làm trong sạch đội ngũ cán bộ đảng viên của Đảng và công chức của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội. Đó là việc rất quan trọng, phải được tiến hành kiên quyết và thường xuyên bằng nhiều biện pháp đồng bộ, hữu hiệu. Theo chủ tịch Hồ Chí Minh, để chữa căn bệnh này cần có một nguyên tắc là “theo đúng đường lối nhân dân” và sáu điều:
“Đặt lợi ích nhân dân lên trên hết
Liên hệ chặt chẽ với nhân dân
Việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ
Có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân
và hoan nghênh nhân dân phê bình mình
Sẵn sàng học hỏi nhân dân
Tự mình phải làm gương mẫu cần, kiệm, liêm, chính để nhân dân noi theo”
(Cần tẩy sạch bệnh quan liêu mệnh lệnh, ngày 2.9.1951).
Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em, ba má tôi quanh năm “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, cuộc sống gia đình lúc nào cũng thiếu thốn, vất vả. Nhưng, ba má luôn dành cho năm anh em chúng tôi đời sống tinh thần phong phú. Ngay từ khi còn rất nhỏ, má đã truyền “lửa” cho anh em tôi bằng những câu chuyện sinh động: Nhị thập tứ hiếu, chuyện kể về các bậc vĩ nhân, những tấm gương con nhà nghèo vượt khó học giỏi… Những câu chuyện thật hấp dẫn, cảm động. Nhưng có lẽ, những câu chuyện về Bác Hồ như đôi dép cao su, cái nhà sàn, chiếc áo ka-ki cũ sờn, chiếc mũ cát, chiếc ô tô, bản di chúc… để lại trong tâm trí anh em chúng tôi nhiều ấn tượng nhất. Những lúc má kể, tôi luôn thắc mắc: “Bác là Chủ tịch nước, có nhiều quyền lực, tại sao Bác lại không sống đầy đủ, sung sướng hả má?”. Má tôi nói: “Bác là người rất yêu nước, thương dân, khi dân ta còn nghèo, Bác không nỡ sống như ông hoàng, con ạ. Hơn nữa, Bác là người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất miền Trung khắc khổ nên trong Bác luôn tuôn chảy dòng máu giản dị, tiết kiệm rồi”. Những câu chuyện má kể, những lời giảng giải của má thật thú vị. Tôi ao ước lớn lên, nếu có điều kiện, tôi sẽ chọn ngành lịch sử để học, để có cơ hội tìm hiểu sâu hơn những đức tính cao quý của Bác.
Má không chỉ kể tôi nghe những câu chuyện suông, mà trong đời sống hằng ngày, má còn uốn nắn chúng tôi bằng nhiều hành động rất cụ thể. Còn nhớ năm tôi học lớp 6, má dẫn tôi lên thị xã mua sách vở, dụng cụ học tập để chuẩn bị cho năm học mới. Khi đi ngang qua một cửa hàng bán đồ chơi, nhìn thấy người ta trưng bày một siêu nhân rất to đẹp, tôi đứng chôn chân một chỗ nhìn không chớp mắt. Má như đọc được ý nghĩ của tôi, nhưng cuối cùng cũng đành lắc đầu vì đó là một món đồ chơi quá xa xỉ so với thu nhập của gia đình tôi. Khi về đến nhà, má nhẹ nhàng nói: “Nếu má mua đồ chơi cho con, cả nhà ta sẽ phải nhịn đói mấy ngày, con hiểu không?”… Ngày tôi cầm giấy báo trúng tuyển vào Đại học, má rất mừng. Nhưng ẩn chứa trong đôi mắt má là những lo toan. Má chạy vạy khắp nơi mượn cho tôi 2 triệu đồng để nhập học. Cầm số tiền má đưa, tôi thấy lòng mình xốn xang. Tôi tự hứa sẽ phấn đấu học tập thật tốt để không phụ tấm lòng trời biển của ba má. Hôm tôi lên tàu ra Huế, má căn dặn: “Con cố gắng học tập cho tốt. Nhà mình nghèo, con phải chi tiêu tiết kiệm, không nên đua đòi theo bạn bè. Cố gắng tìm việc làm thêm để bớt gánh nặng cho ba má. Ở nhà, ba má còn phải lo cho bốn em…” Bốn năm đại học, tôi làm đủ mọi nghề, từ bán báo dạo cho đến dạy kèm, bán cà phê rồi tập tành viết bài cộng tác với vài tờ báo nên hàng tháng cũng kiếm được vài trăm ngàn… Nói chung, tôi tự lo cho mình được, chỉ trừ những lúc bí quá mới gọi điện về xin ba má “viện trợ”. Những khó khăn vất vả rồi cũng qua đi, tôi cầm mảnh bằng tốt nghiệp và tìm được việc làm ổn định tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên TNXP. Khi tôi bắt đầu đi dạy cũng là lúc đứa em trai thi đậu vào trường Đại học Bách khoa TP.HCM. Má gọi tôi và nói: “Con cố gắng tiết kiệm, phụ giúp ba má lo cho em, còn việc riêng tư má không cấm nhưng hãy đợi khi nào em ra trường hãy tính…”. Đến lúc này tôi mới thấy trách nhiệm làm anh của mình thật nặng nề. Nếu không chi tiêu tiết kiệm thì ngay cả bản thân cũng lo không đủ huống hồ là “đèo bòng” em với út. Tôi thật sự thấu hiểu tinh thần tiết kiệm mà ngày nào má dạy. Mặc dù đồng lương giáo viên chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng, nhưng tôi vẫn dành dụm cho em trai 1,5 triệu đồng và thỉnh thoảng gửi về quê chút ít phụ ba má lo cho các em nhỏ. Và trong năm nay, tôi cũng đã thực hiện được “ước mơ” của mình là mua được chiếc xe gắn máy để thuận tiện cho việc đi làm… Trong tương lai, tôi còn nhiều ước mơ lớn hơn nữa, như làm lại cho ba má ngôi nhà đã ọp ẹp, lo cho mấy đứa em ăn học nên người… Để thực hiện được những ước mơ ấy, tôi nghĩ không cần cầu mong ở sự may mắn mong manh như nhặt được vàng, trúng vé số, mà chỉ cần biết tiết kiệm đúng cách, vì má đã từng bảo: “Làm ít ăn ít có dư, làm nhiều ăn dữ cũng như hổng làm”.
Bùi Thanh Hoàng – 10/12 Lạc Long Quân, phường 9, quận Tân Bình, Tp. HCMSố ĐT: 0937.360.753 hoặc 08.3975.2983
Đã từ lâu, tôi muốn thực hiện một bài viết về chị, gương “Người tốt việc tốt”, nhưng chưa có điều kiện. Tháng ba lại về, cả nước ta hân hoan tổ chức kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tôi quyết định phải viết một bài về chị, chân dung một nữ cán bộ Đoàn, một nhân viên mẫu mực tại đơn vị.
Quyết tâm là vậy, nhưng khi thực hiện bài viết quả thật không hề đơn giản. Tôi bảo chị cố gắng sắp xếp thời gian cho tôi xin một tiếng đồng hồ để phỏng vấn, chị bảo “Mình chỉ mới lãnh đạo phong trào Đoàn được hơn tám tháng, chưa có hoạt động gì nổi bật, viết lên sợ người ta cười…”. Sau vài hôm “năn nỉ”, cuối cùng, chị cũng cho tôi cơ hội để phỏng vấn.
Chị sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo của tỉnh Hà Nam. Năm 1998, tôi nghiệp cấp ba xong, chị khăn gói lên đường vào Thành phố Hồ Chí Minh học ngành Hóa, trường Cao đẳng Công nghệ thực phẩm. Sau ba năm học tập vất vã, vừa làm vừa kiếm tiền ăn học, chị cũng cầm được mãnh bằng Cử nhân Cao đẳng ra trường. Nếu như tôi và nhiều đồng nghiệp khác khoác trên vai màu áo xanh Thanh niên xung phong bất ngờ thú vị, thì chị “không bất ngờ chút nào”. Chị kể “Mình có ông chú dạy chính trị cho các anh chị cán bộ Thanh niên xung phong, nhờ quen biết nên khi ra trường chú xin dùm”. Vậy là ngay từ buổi đầu Trung tâm GDTX – TNXP được thành lập, chị đã về đầu quân. Lúc mới vào, chị công tác ở bộ phận nhân viên phòng Dạy nghề, một thời gian sau chuyển qua Tổ Kế hoạch, và cuối cùng về phòng Dạy văn hóa với chức danh Nhân viên quản lý hồ sơ học vụ, kiêm mãng quản lý Bổ túc tiểu học.
Năm 2007 và đầu năm 2008, đơn vị gặp nhiều khó khăn, nhiều cán bộ nhân viên nộp đơn xin nghĩ việc, trong đó có cả các cán bộ Đoàn, Chi đoàn chỉ còn lại bốn người, điều này đã gióng lên một hồi chuông báo động cho Chi đoàn Trung tâm. Từ một Chi đoàn hoạt động năng nỗ, hiệu quả, trở thành một Chi đoàn hoạt động cầm chừng, “ì ạch”. Chi đoàn hầu như không tổ chức được “sân chơi” nào có ý nghĩa cho Đoàn viên thanh niên, hoạt động giáo dục tuyên truyền, báo cáo thỉnh thị… đều ngưng trệ.
Trước tình hình đó, đồng chí Trần Quốc Khanh – Bí thư Chi bộ, Quyền Giám đốc Trung tâm GDTX, mặc dù mới về đảm nhận nhiệm vụ, nhưng đã quan tâm và chỉ đạo kịp thời là Chi đoàn phải tổ chức Hội nghị để bầu Bí thư, để chèo lái “con thuyền” Chi đoàn ra khỏi “vùng nước xoáy”. Đồng chí Đinh Thị Tuyết được Hội nghị tín nhiệm và bầu vào chức danh Bí thư Chi đoàn Trung tâm GDTX - TNXP.
Từ khi đảm nhận chức vụ Bí thư, bằng nỗ lực của bản thân, được sự giúp đỡ của Chi bộ, Ban Giám đốc và hai… đồng chí đoàn viên, cộng với những kinh nghiệm quý báu đã tiếp thu được từ các anh chị cán bộ đoàn lớp trước, chị đã từng bước làm “sống lại” lại phong trào Đoàn của đơn vị.
Từ một Chi đoàn chỉ có…ba người, hoạt động “ì ạch”, không có nội dung, mục đích cụ thể, đến nay số lượng đoàn viên đã tăng lên mười đồng chí, Chi đoàn cũng đã có Ban Chấp hành với ba đồng chí, hoạt động của Chi đoàn từng bước ổn định và đi vào nề nếp.
Mặc dù thành tích đạt được chưa nhiều, nhưng những kết quả như: Chi đoàn có một đoàn viên đạt giải nhất cuộc thi viết về Chủ tịch Tôn Đức Thắng cấp Lực lượng TNXP; giải nhì cuộc thi “Công nhân viết, viết về công nhân” do Qũy Hỗ trợ công nhân và Báo Người lao động tổ chức; giải nhất cuộc thi viết về gương “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đơn vị tổ chức; hai giải nhì và một giải ba trong Hội thao chuyên ngành Cụm IV GDTX và cụm XI Công đoàn được tổ chức tại Trung tâm GDTX Chu Văn An; trong cuộc thi “Nam nữ Thanh niên xung phong thanh lịch 2009” vừa rồi, chị là người trực tiếp tham gia thi và đã đạt giải khuyến khích trang phục và giải được khán giả yêu thích nhất…
Mỗi thành quả mà Chi đoàn từng bước giành được đều in đậm dấu ấn của chị.
Trong hoạt động đoàn thể là vậy. Trong công việc chuyên môn chị làm việc cần mẫn, hồ sơ học vụ sắp xếp gọn gàng ngăn nắp.
Mặc dù công việc bận rộn, xong việc cơ quan, lại tất bật với công việc gia đình, nhưng chị vẫn quyết tâm theo học lớp Kế toán, hệ Đào tạo từ xa, do Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng tổ chức tại TP.HCM.
Trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tại đơn vị, chị cũng là một gương điển hình về học tập và làm theo lời Bác. Chị vận động đoàn viên thanh niên xung kích trong công việc, trong hoạt động Đoàn thể và trong thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí. Không chỉ tiết kiệm tiền bạc, giày dép, quần áo… của bản thân mình, mà còn phải biết tiết kiêm tài sản của đơn vị. Có lần chị nói: “Mỗi tờ giấy, mỗi cây bút… đều là công sức, mồ môi của nhiều công nhân tạo ra, vì vậy chúng ta phải sử dụng thật tiết kiệm. Trước khi in văn bản ra giấy phải kiểm tra lại ít nhất hai lần để tránh sai sót, điều đó đồng nghĩa với tiết kiệm hơn hai tờ giấy…”
Bằng những cống hiến của mình, trong sáu năm công tác tại đơn vị, chị nhận được rất nhiều giấy khen, nhiều danh hiệu do đơn vị và cấp trên trao tặng, và trong năm 2008 vừa rồi, chị đã xuất sắc đạt được cả ba danh hiệu: Lao động tiên tiến, Công đoàn viên xuất sắc cấp Lực lượng TNXP và danh hiệu “Phụ nữ hai giỏi” (Giỏi việc nước, đảm việc nhà).
Chị tên là Đinh Thị Tuyết, nhân viên phòng Dạy văn hóa, kiêm Bí thư Chi đoàn cơ sở Trung tâm GDTX - TNXP.
Trong cuộc đời của mình, Bác Hồ luôn quan tâm và dành nhiều tình cảm thương yêu sâu sắc đối với thế hệ trẻ. Trong “Thư gửi các bạn thanh niên” ngày 12.8.1947, Bác viết: “… Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó”. Trong “Di chúc”, Bác cũng dành những lời lẽ tâm huyết nói về thanh niên: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc điều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đào tạo cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”.
Như một người cha luôn quan tâm đến con cái, Bác Hồ hiểu rõ những ưu điểm cũng như nhược điểm của thanh niên nước ta. Trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam (24.3.1961), Bác dặn: “Thanh niên ta phải cố gắng học. Do hoàn cảnh trong xã hội cũ hạn chế nên số đông thanh niên công – nông ta ít được học. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức”. Bác nhắc lại một câu nói của Lênin: “Không học thì không thể trở thành người cộng sản”. Ngoài ra, Bác nhắc nhở: “Một số khá đông thanh niên chưa hiểu thấu rằng tất cả lao động có ích cho xã hội đều là vẻ vang, vì vậy họ chưa thiết tha yêu nghề, thường “đứng núi này, trông núi nọ”… Thanh niên ta cần phải hiểu rằng: bất kỳ công việc gì mà ra sức khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ đều là vẻ vang, đều là anh hùng”. Để trở thành những người “vừa hồng, vừa chuyên”, Bác dạy: “Mỗi thanh niên, nhất là mỗi cán bộ phải kiên quyết làm bằng được những điều sau đây: - Các sự hy sinh khó nhọc thì mình làm trước người ta, còn sự sung sướng thanh nhàn thì mình nhường người ta hưởng trước. - Các việc đáng làm, thì khó mấy cũng phải quyết tâm làm cho kỳ được. - Ham làm những việc ích quốc lợi dân. Không ham địa vị và công danh phú quý. - Đem lòng chí công vô tư mà đối với người, đối với việc. - Quyết tâm làm gương về mọi mặt, siêng năng, tiết kiệm, trong sạch. - Chớ kiêu ngạo, tự cao, tự mãn, nên nói ít làm nhiều, thân ái đoàn kết. Như thế thì ai cũng sẽ yêu mến, kính phục thanh niên…”. Về phong trào thanh niên, Bác lưu ý “cần phải liên tục và có nội dung thiết thực”, không nên hình thức, “chớ đặt những chương trình, kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được”, mà phải “nói được, làm được”. Bác quan niệm “một chương trình nhỏ mà thực hiện được còn hơn là một trăm chương trình to tát mà không làm được”. Bác luôn động viên thanh niên: “Các cháu là thế hệ anh hùng trong thời đại anh hùng… Bác tin rằng thanh niên ta sẽ hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ rất vẻ vang của đạo quân xung phong tất thắng trong sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
Nguồn: - Một số lời dạy và mẫu chuyện về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007. - Cẩm nang tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Lao động, TP.HCM, 2007. - Học tập đạo đức Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội 2007.
Bùi Thanh Hoàng – 10/12 Lạc Long Quân, phường 9, quận Tân Binh, Tp.HCM. Số ĐT: 0937.360.753 hoặc 08.3975.2983