Thứ Hai, 4 tháng 5, 2009

CHỮ KIỆM THAO TÔI SUỐT CUỘC ĐỜI !


Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em, ba má tôi quanh năm “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, cuộc sống gia đình lúc nào cũng thiếu thốn, vất vả. Nhưng, ba má luôn dành cho năm anh em chúng tôi đời sống tinh thần phong phú. Ngay từ khi còn rất nhỏ, má đã truyền “lửa” cho anh em tôi bằng những câu chuyện sinh động: Nhị thập tứ hiếu, chuyện kể về các bậc vĩ nhân, những tấm gương con nhà nghèo vượt khó học giỏi… Những câu chuyện thật hấp dẫn, cảm động. Nhưng có lẽ, những câu chuyện về Bác Hồ như đôi dép cao su, cái nhà sàn, chiếc áo ka-ki cũ sờn, chiếc mũ cát, chiếc ô tô, bản di chúc… để lại trong tâm trí anh em chúng tôi nhiều ấn tượng nhất. Những lúc má kể, tôi luôn thắc mắc: “Bác là Chủ tịch nước, có nhiều quyền lực, tại sao Bác lại không sống đầy đủ, sung sướng hả má?”. Má tôi nói: “Bác là người rất yêu nước, thương dân, khi dân ta còn nghèo, Bác không nỡ sống như ông hoàng, con ạ. Hơn nữa, Bác là người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất miền Trung khắc khổ nên trong Bác luôn tuôn chảy dòng máu giản dị, tiết kiệm rồi”. Những câu chuyện má kể, những lời giảng giải của má thật thú vị. Tôi ao ước lớn lên, nếu có điều kiện, tôi sẽ chọn ngành lịch sử để học, để có cơ hội tìm hiểu sâu hơn những đức tính cao quý của Bác.

Má không chỉ kể tôi nghe những câu chuyện suông, mà trong đời sống hằng ngày, má còn uốn nắn chúng tôi bằng nhiều hành động rất cụ thể. Còn nhớ năm tôi học lớp 6, má dẫn tôi lên thị xã mua sách vở, dụng cụ học tập để chuẩn bị cho năm học mới. Khi đi ngang qua một cửa hàng bán đồ chơi, nhìn thấy người ta trưng bày một siêu nhân rất to đẹp, tôi đứng chôn chân một chỗ nhìn không chớp mắt. Má như đọc được ý nghĩ của tôi, nhưng cuối cùng cũng đành lắc đầu vì đó là một món đồ chơi quá xa xỉ so với thu nhập của gia đình tôi. Khi về đến nhà, má nhẹ nhàng nói: “Nếu má mua đồ chơi cho con, cả nhà ta sẽ phải nhịn đói mấy ngày, con hiểu không?”… Ngày tôi cầm giấy báo trúng tuyển vào Đại học, má rất mừng. Nhưng ẩn chứa trong đôi mắt má là những lo toan. Má chạy vạy khắp nơi mượn cho tôi 2 triệu đồng để nhập học. Cầm số tiền má đưa, tôi thấy lòng mình xốn xang. Tôi tự hứa sẽ phấn đấu học tập thật tốt để không phụ tấm lòng trời biển của ba má. Hôm tôi lên tàu ra Huế, má căn dặn: “Con cố gắng học tập cho tốt. Nhà mình nghèo, con phải chi tiêu tiết kiệm, không nên đua đòi theo bạn bè. Cố gắng tìm việc làm thêm để bớt gánh nặng cho ba má. Ở nhà, ba má còn phải lo cho bốn em…” Bốn năm đại học, tôi làm đủ mọi nghề, từ bán báo dạo cho đến dạy kèm, bán cà phê rồi tập tành viết bài cộng tác với vài tờ báo nên hàng tháng cũng kiếm được vài trăm ngàn… Nói chung, tôi tự lo cho mình được, chỉ trừ những lúc bí quá mới gọi điện về xin ba má “viện trợ”. Những khó khăn vất vả rồi cũng qua đi, tôi cầm mảnh bằng tốt nghiệp và tìm được việc làm ổn định tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên TNXP. Khi tôi bắt đầu đi dạy cũng là lúc đứa em trai thi đậu vào trường Đại học Bách khoa TP.HCM. Má gọi tôi và nói: “Con cố gắng tiết kiệm, phụ giúp ba má lo cho em, còn việc riêng tư má không cấm nhưng hãy đợi khi nào em ra trường hãy tính…”. Đến lúc này tôi mới thấy trách nhiệm làm anh của mình thật nặng nề. Nếu không chi tiêu tiết kiệm thì ngay cả bản thân cũng lo không đủ huống hồ là “đèo bòng” em với út. Tôi thật sự thấu hiểu tinh thần tiết kiệm mà ngày nào má dạy. Mặc dù đồng lương giáo viên chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng, nhưng tôi vẫn dành dụm cho em trai 1,5 triệu đồng và thỉnh thoảng gửi về quê chút ít phụ ba má lo cho các em nhỏ. Và trong năm nay, tôi cũng đã thực hiện được “ước mơ” của mình là mua được chiếc xe gắn máy để thuận tiện cho việc đi làm… Trong tương lai, tôi còn nhiều ước mơ lớn hơn nữa, như làm lại cho ba má ngôi nhà đã ọp ẹp, lo cho mấy đứa em ăn học nên người… Để thực hiện được những ước mơ ấy, tôi nghĩ không cần cầu mong ở sự may mắn mong manh như nhặt được vàng, trúng vé số, mà chỉ cần biết tiết kiệm đúng cách, vì má đã từng bảo: “Làm ít ăn ít có dư, làm nhiều ăn dữ cũng như hổng làm”.



Bùi Thanh Hoàng – 10/12 Lạc Long Quân, phường 9, quận Tân Bình, Tp. HCM Số ĐT: 0937.360.753 hoặc 08.3975.2983

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét