Thứ Hai, 4 tháng 5, 2009

HỌC CHỐNG BỆNH QUAN LIÊU


Nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh rất phong phú, thiết thực nhưng theo tôi bài học quan trọng nhất mà Người dạy cho cán bộ đảng viên là bài học chống bệnh quan liêu, vì “bệnh quan liêu là nguồn gốc sinh ra lãng phí, tham ô,…”

Theo Người, “quan liêu là cán bộ phụ trách xa rời thực tế, không điều tra, nghiên cứu đến nơi đến chốn những công việc cần phải làm, việc gì cũng nắm không vững, chỉ đạo một cách đại khái, chung chung” (Bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước ngày 24.7.1962). Bệnh quan liêu hiện nay biểu hiện dưới nhiều khía cạnh như coi thường, xa rời quần chúng, xa rời thực tế, không nắm chắc mọi mặt của cuộc sống, của cơ sở; tổ chức bộ máy cồng kềnh, nặng giấy tờ, hình thức, thủ tục hành chính rườm rà, gây phiền hà cho dân. Cùng đồng hành là tệ cửa quyền, sách nhiễu, mệnh lệnh, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ đảng viên, công chức, nhất là những cán bộ lãnh đạo và quản lý.


Tệ quan liêu nói trên trở nên trầm trọng do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân trực tiếp là do chủ nghĩa cá nhân, tự tư tự lợi, thiếu tinh thần trách nhiệm, trình độ năng lực tổ chức quản lý yếu kém của một số cán bộ đảng viên, công chức. Một số cán bộ đảng viên khi có chức quyền thì coi thường quần chúng, cho mình là người “đứng trên”, người “ban phát ơn huệ” cho quần chúng, không phải là người phục vụ, người đày tớ trung thành của quần chúng. Hoặc vì thiếu trách nhiệm, ngại khó ngại khổ, thích ngồi bàn giấy hơn là đi sâu sát quần chúng, sát thực tiễn và cơ sở, xen vào đó là tư tưởng cá nhân thổi phồng thành tích, che giấu khuyết điểm, “làm thì láo, báo cáo thì hay”… Mặt khác, còn do phô trương hình thức, tổ chức bộ máy nhiều tầng nấc, chức năng nhiệm vụ và chế độ chịu trách nhiệm không rõ ràng… Tệ quan liêu gắn liền với mệnh lệnh, cửa quyền, coi thường quần chúng, muốn dễ cho mình nhưng lại gây khó khăn cho người khác, làm điều trái với lý tưởng của Đảng, trái với phẩm chất đạo đức cách mạng. Tác hại của tệ nạn quan liêu rất lớn, nó làm cho Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội không nắm chắc được tình hình thực tế kịp thời, dẫn đến những quyết định, chủ trương, biện pháp công tác không sâu sát, thậm chí sai lầm, làm tổn thương đến mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và quần chúng. Tệ quan liêu là mảnh đất màu mỡ cho tệ nạn tham nhũng, lãng phí phát triển nếu không kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh theo pháp luật và kỷ luật Đảng. Vì vậy, việc chống tham ô, lãng phí, quan liêu là rất cần thiết và phải làm thường xuyên nhằm làm trong sạch đội ngũ cán bộ đảng viên của Đảng và công chức của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội. Đó là việc rất quan trọng, phải được tiến hành kiên quyết và thường xuyên bằng nhiều biện pháp đồng bộ, hữu hiệu. Theo chủ tịch Hồ Chí Minh, để chữa căn bệnh này cần có một nguyên tắc là “theo đúng đường lối nhân dân” và sáu điều:

“Đặt lợi ích nhân dân lên trên hết

Liên hệ chặt chẽ với nhân dân

Việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ

Có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân

và hoan nghênh nhân dân phê bình mình

Sẵn sàng học hỏi nhân dân

Tự mình phải làm gương mẫu cần, kiệm, liêm, chính để nhân dân noi theo”

(Cần tẩy sạch bệnh quan liêu mệnh lệnh, ngày 2.9.1951).

(Tổng hợp)


Bùi Thanh Hoàng ­– 10/12 Lạc Long Quân, phường 9, quận Tân Bình, Tp.HCM

Số ĐT: 0937.360.753 hoặc 08.3975.2983

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét